CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC THEO TƯ LIỆU TỪ NHIỀU PHÍA
17.2.1979
Đức Phật Gotama có một câu nói đi vào sử sách khi nhận người gánh phân Sunita làm đệ tử:
“Không có sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo khi con người máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”
Một dân tộc dù nhỏ, dù diện tích không lớn thì cảm nhận đau đớn, bi thương, mất mát của Nhân Dân trên mảnh đất quê hương khi chiến tranh ập xuống đều khốc liệt như nhau.
Không có bất kì lý do gì để Trung Quốc, trước là tiếp tay cho Campuchia gây ra nỗi đau không bao giờ xoá được ở biên giới Tây Nam. Sau tấn công Việt Nam gây nên tang tóc thê lương ở đỉnh đầu Tổ Quốc. Nếu có thì đó là sự mọi rợ thuộc về bản chất của kẻ tự nhận mình là Trung Hoa?( Trung tâm Hoa mỹ)
Việt Nam phía Nam thì đối mặt với Polpot, Bắc thì chịu cuộc bắn giết của xâm lăng của Trung Quốc.
“Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hoà bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”( trích nguyên văn Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam 1980)
Thế gọng kiềm đó rõ ràng muốn xé nát Việt Nam. Dĩ nhiên, người dân phải gánh chịu đầu tiên những đau thương man rợ.
42 năm đã đi qua, quá khứ là những điều đã xảy ra không thể nào sửa chữa được. Tình hữu nghị giao bang cần nhưng không thể vì đó mà không trả cho những oan hồn đã mất một chỗ đứng, cho lịch sử đau thương cùng cực của dân tộc một thời kì đen tối một bài học trong sách Giáo khoa.
Chiến tranh Biên giới Tây Nam với Campuchia bè lũ tay sai của Trung Quốc, chiến tranh Biên giới phía Bắc với Trung Quốc phải được biên soạn thành bài học chính quy trong sách Giáo Khoa ở cả ba cấp cấp học. Và dĩ nhiên, học sinh cấp 3 sẽ học kĩ hơn. Đồng thời, cuộc chiến này phải có ít nhất 1-2 câu hỏi trong bài thi Tốt Nghiệp.
Người Trung Quốc dạy cái gì cho học sinh Trung Quốc là việc của họ. Nếu chúng ta không có đủ lá gan để dạy cho học sinh Việt Nam sự thật lịch sử của chính dân tộc mình thì đó là nỗi nhục không thể gột rửa được.
Trung quốc tấn công
Viêt nam phản công
Đình chiến
ĐẶNG TIỂU BÌNH ĐÃ CHUẨN BỊ CHO CHIẾN TRANH TRUNG – VIỆT THẾ NÀO?
Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không thể quên lãng.Tưởng niệm cuộc chiến 1979: Không có gì nhạy cảm/ Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù/ Trung Quốc phải thừa nhận/ Thiếu quân chủ lực vẫn đánh thắng/ Luận về cuộc chiến, cần sự ngay thẳng.
LTS: Nhân kỷ niệm 37 năm ngày mở đầu Chiến tranh Biên giới phía Bắc 17/2/1979, Tuần Việt Nam giới thiệu lại cùng bạn đọc một bài viết đăng tải cách đây tròn 2 năm mà đến nay vẫn nguyên tính thời sự nóng hổi.
![]() |
Ảnh: Mạnh Thường |
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện chiến lược, Bộ công an:
Tưởng niệm cuộc chiến 1979: Không có gì nhạy cảm
– Sau 35 năm nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới (CTBG) phía Bắc năm 1979, theo ông, chúng ta cần vạch ra rõ ràng, dứt khoát về bản chất và vị trí của cuộc chiến này trong lịch sử như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là một cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc VN. Về bản chất, nó không khác gì các cuộc kháng chiến oanh liệt trong lịch sử như nhà Lý chống quân Tống, nhà Trần chiến thắng quân Nguyên, nhà Lê tiêu diệt quân Minh, và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng nhà Thanh.
Làm một phép so sánh thế này, năm 1788 đầu 1789, trong vòng 10 ngày, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hành quân thần tốc để giải phóng và tiêu diệt 29 vạn quân Thanh vào ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789. Hàng năm ta vẫn kỷ niệm sự kiện này trong lễ hội Gò Đống Đa.
![]() |
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Nguyễn Khánh/TTO |
Còn cuộc kháng chiến năm 1979, với khoảng thời gian hơn 17 ngày (tính từ 17/2 khi TQ tràn qua biên giới VN đến 5/3/1979 khi TQ bắt đầu rút quân – PV), ta đã đuổi được 60 vạn quân TQ ra khỏi bờ cõi. Một cuộc kháng chiến chống xâm lược như vậy rất oanh liệt, vĩ đại chứ.
-Thế nhưng, nếu như chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ đã được ghi lại đậm nét, được tưởng nhớ hàng năm, thì cuộc kháng chiến 1979 đến nay dường như vẫn vắng bóng trong lịch sử VN?
Trong hơn 20 năm nay, có lẽ từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Trung năm 1991, chúng ta không tổ chức kỷ niệm, hệ thống truyền thông không đưa tin sự kiện CTBG tháng 2/1979, ngay cả trong những năm kỷ niệm chẵn như 1989, 1994, 1999, 2004, 2009.
Hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia các cấp học phổ thông, trung học, đại học và sau đại học đều không đưa cuộc kháng chiến này vào. Thế hệ trẻ không biết gì về cuộc chiến này.
Theo tôi, không có gì nhạy cảm ở đây, khi tưởng niệm một chiến công oanh liệt đến thế của dân tộc. Nó hoàn toàn khác và không liên quan gì đến kích động chủ nghĩa dân tộc cả.
Nước nào trên thế giới cũng tổ chức những ngày kỷ niệm tương tự như vậy. Nhật Bản và Mỹ hiện là đồng minh chặt chẽ. Nhưng chẳng hạn với sự kiện Trân Châu Cảng 7/12/1941, hàng năm nước Mỹ vẫn kỷ niệm và thế hệ sau vẫn hiểu rất sâu sắc thảm họa. Còn thanh niên Nhật vẫn tỏ tường tội ác của Mỹ khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật ghi rõ sự kiện này trong SGK và cũng tưởng niệm hàng năm.
Ở châu Âu, thanh niên Anh, Pháp… vẫn hiểu tường tận tội ác của phát-xít Đức giai đoạn 1940-1945. Tất cả hệ thống sách giáo khoa sử của Mỹ, Nhật, Anh… đều có những trang đen tối như vậy cả, trong khi hiện họ là đồng minh của nhau.
Đối với VN, việc kỷ niệm những sự kiện như chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, chiến thắng Điện Biên Phủ, thống nhất đất nước 1975, CTBG 1979… chính là để các thế hệ hiện tại khắc cốt ghi tâm, tưởng nhớ đến những người đã chiến đấu bảo vệ đất thiêng. Và cũng là để hun đúc cho họ ý chí quật cường yêu nước.
-Vậy chúng ta cần có hành động gì để trả lại vị trí xứng đáng cho cuộc chiến chống xâm lược 1979, và ghi tạc công lao của những người đã ngã xuống vì đất nước?
Có một số việc cần làm:
Đưa sự kiện này vào thành chương/ phần trong giáo trình chuẩn quốc gia tại các cấp học, giống như đã làm với các cuộc kháng chiến khác. Muộn còn hơn không, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn một chương riêng về cuộc chiến, đưa vào hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia (phổ thông, đại học, và sau đại học…).
Tổ chức kỷ niệm trang trọng chiến thắng oanh liệt này. Rà soát tổng kiểm kê lại những người có công trong cuộc kháng chiến.
Lên tiếng để thế giới hiểu
-Từ những nghiên cứu của bản thân, xin ông cho biết dư luận thế giới nhìn nhận thế nào về bản chất cuộc chiến 1979, và về TQ trong cuộc chiến tranh này?
Cuộc xâm lược của 60 vạn quân TQ trên toàn tuyến biên giới VN có bằng chứng rõ ràng, được ghi âm, ghi hình, cả thế giới biết và hầu hết đều có cái nhìn thống nhất đó là cuộc chiến tranh xâm lược VN.
Cuộc xâm lược 1979 đã khiến thế giới hiểu rõ bản chất của TQ. Nó khiến họ mất uy tín quốc tế, bộc lộ bản chất bành trướng Đại Hán, bản chất nói một đằng làm một nẻo, không hề chứng tỏ chủ trương “phát triển hòa bình” của TQ khi đó.
Trong khi hơn 20 năm nay chúng ta không tổ chức kỷ niệm CTBG 1979 thì bạn bè tôi đã tập hợp được ở TQ vào những năm kỷ niệm chẵn, họ làm rất rầm rộ. Có hàng 500 – 700 bài báo với tiêu đề kiểu “Chiến công oanh liệt của Quân Giải phóng Nhân dân TQ phản công quân VN xâm lược”, “Quân xâm lược VN đã phải trả bài học đắt giá”, v.v… Một sự xuyên tạc, đổi trắng thay đen.
Còn chúng ta? “Gieo cái gì thì gặt cái đó”, khi chính VN im lặng về một cuộc chiến chính nghĩa như vậy, thì thế giới làm sao bày tỏ sự ủng hộ?
-Qua sự kiện CTBG 1979, theo ông có bài học quan trọng nào chúng ta cần rút ra?
Qua cuộc chiến tranh này, chúng ta phải nhận thức được bản chất của lãnh đạo TQ. Về bản thân người dân TQ, tôi nghĩ về cơ bản là hòa hiếu, muốn giao hảo, hữu nghị với VN.
Là một nước láng giềng chung đường biên giới 1.450 km với chúng ta, không thể không hiểu họ.
Với tập đoàn lãnh đạo TQ vào thời kỳ 1979 và ít ra trong khoảng 10 năm sau đó, toàn bộ hệ thống lý luận Mác – Lê nin không có điểm nào biện minh cho việc lãnh đạo nước này xâm lược VN – một quốc gia trong hệ thống XHCN cả.
Qua cách xâm lược đó, tập đoàn lãnh đạo TQ cho thấy họ là ai? Họ theo Chủ nghĩa Mác hay theo Chủ nghĩa bá quyền nước lớn?
Quan hệ 16 chữ vàng hay cái gì đi nữa cũng sẽ chỉ là “ứng vạn biến”. Còn cái “dĩ bất biến” luôn phải là độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Không được mơ hồ lấy cái “ứng vạn biến” để thay “dĩ bất biến”.
-Có một thực tế mà chúng ta đều hiểu, VN là một nước nhỏ ở bên cạnh một nước lớn như TQ, vậy chúng ta cần một triết lý ứng xử thế nào cho phù hợp?
Đây là một bài toán khó với hầu hết các nước trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn Canada, Mexico… khi ở cạnh Mỹ, hay các nước nhỏ xung quanh Nga. Tất nhiên mức độ không như ta ở cạnh TQ.
Trong trường hợp này, tôi thấy có thể dẫn ra 1 câu nói của ông Lý Quang Diệu, mà tôi coi như một trong những câu hay nhất thế kỷ. Đại ý rằng thời nào cũng thế, cá lớn nuốt cá bé. Vì thế Singapore phải biến thành một con cá bé độc, để không ai dám ăn, ăn là chết.
Đó cũng là một gợi ý tốt cho VN. Nhưng làm như thế nào, câu trả lời thuộc về những nhà lãnh đạo!
Mỹ Hòa (thực hiện)
![]() |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh tư liệu |
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:
Sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù
Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.
Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17.2.1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra; ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước cũng phải hiểu đúng: đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là bài học. Không thể quên lãng nó.
Nhiều người dân Trung Quốc đã hiểu sai cơ bản về cuộc chiến tranh biên giới đó. Nhưng tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự thật không thể chối cãi. Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua? Thực tế là quân dân Việt Nam khi đó đã phải chống lại một cuộc chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương tổ quốc.
Theo tôi, không chỉ đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay cả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng cần được nhắc đến đầy đủ. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống . Tôi muốn nhấn mạnh rằng: ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay.
Tôi ủng hộ con đường ngoại giao khôn ngoan, mềm mỏng, tôn trọng các nguyên tắc quốc tế. Kinh nghiệm trong đấu tranh, né tránh hay im lặng đều không có lợi, vì như vậy chúng ta không làm rõ được sự thật, phải trái, đúng sai, có khi còn khuyến khích đối phương, khiến họ cho rằng ta yếu thế và ngày càng lấn tới. Tuy nhiên không bình tĩnh cân nhắc trong ứng xử cũng sẽ khiến cho tình hình thêm phức tạp, không có lợi cho sự nghiệp.
Vậy bài học rút ra từ quá khứ mất mát của chúng ta là gì đây? Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu. Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những bạn bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có những bước phát triển thần kỳ.
Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau.
Trong đấu tranh, chúng ta đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.
Tôi tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, tin vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân và tin ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới. Ta cần hành động theo tinh thần đó. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sẽ khó để bảo vệ chủ quyền nếu đất nước không có nội lực, không có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phấn đấu.